NẾP CÁI HOA VÀNG – THƠM NỒNG VÙNG QUAN HỌ

(Thanh tra)- Chia tay với làng nghề bánh đa nem thôn Đức Lâm và Cầu Gạo, tôi lại được người dân nơi đây giới thiệu về Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh), rằng, nếu chưa thưởng thức các sản phẩm làm từ gạo nếp cái hoa vàng thì chưa thể nói là đã về với Yên Phụ.

Nếp cái hoa vàng - thơm nồng vùng quan họ
Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng tại Yên Phụ

Thơm, dẻo – đặc trưng của vùng quan họ

Quả đúng như vậy, nếp cái hoa vàng Yên Phụ được biết đến như là một đặc sản nơi đây. Có lẽ chính những hạt phù sa màu mỡ và dòng nước mát lành của con sông quê đã tạo nên hương vị đặc trưng cho hạt gạo vùng quê đậm đà chất quan họ này. Gạo nếp cái hoa vàng được chế biến thành nhiều món như: Xôi, bánh chưng, nấu rượu.

Tương truyền, đây là một trong những sản phẩm gạo truyền thống cổ xưa, đã làm nên bao món bánh ngon của vùng quê kinh Bắc. Ngoài ra, gạo này cũng chính là hương liệu quý để sản xuất ra các loại rượu tiến vua ngày trước.

Theo những người trồng lúa nơi dây, cái tên “nếp cái hoa vàng” bắt nguồn từ những bông lúa trên đồng trổ đòng, phấn hoa có màu vàng trắng. Hạt thóc lúc vào mẩy thì tròn, có râu ở cuối hạt, lúc hạt thóc già xung quanh vỏ hạt thóc có ít lông. Hạt gạo xay xát ra có màu vàng trắng đục và bầu tròn, ngắn. Ngày mùa, đi trên cánh đồng cấy giống lúa này thấy hương vị thơm nức, ngọt ngào.

Được biết, hạt giống lúa tại đây do Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng lại mỗi năm, do vậy mà hạt giống được nâng cấp và chất lượng gạo năm sau đều cao hơn năm trước. Nằm trong danh mục lúa truyền thống đang được sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo nếp cái hoa vàng được gieo trồng tại đây suốt 20 năm qua và trở thành đặc sản không chỉ của vùng Kinh Bắc mà còn trong cả nước trong nhiều năm qua.

Nếp cái hoa vàng Yên Phụ có chất lượng vượt trội so với một số loại nếp cùng loại được trồng ở miền Bắc như nếp cái hoa vàng Đại Thắng, nếp cái hoa vàng Đông Triều, hay nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Hạt gạo đều, không gẫy, tỷ lệ tấm thấp, hàm lượng protein và một số axit amin cao. Gạo có mùi thơm, đặc biệt khi nấu chín còn có mùi thơm nhẹ, hấp dẫn, cơm dẻo, béo ngậy đậm đà, để 3-4 ngày sau khi nấu chín vẫn không bị khô cứng.

Để làm ra sản phẩm nếp cái hoa vàng đúng chất lượng thơm, dẻo, ngon, khâu quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống lúa, giống lúa phải chọn ngay sau khi gặt lúa về, chọn bông có hạt xếp đều, gọn bông để giữ chất lượng gạo; thu hoạch lúa phải chọn ngày nắng ráo. Sau khi thu hoạch, mỗi lượm lúa chỉ chọn được 5-7 bông, đem tuốt lấy hạt phơi trong 3-4 nắng tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Nếp cái hoa vàng – nguyên liệu làm nên những món bánh thơm nồng

“Chắp cánh” cho đặc sản bay xa

Ông Tô Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Yên Phụ cho biết, hiện nay ở địa phương có khoảng 80-90% số hộ/toàn xã Yên Phụ trồng nếp cái hoa vàng, với tổng diện tích khoảng 300-310ha, mỗi hộ bình quân từ 2-3 lao động, sản lượng trung bình từ 1.200-1.400 tấn/vụ, mỗi năm chỉ trồng vụ mùa, doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 20-25 tỷ/năm.

Với giá cả phải chăng và chất lượng tốt nên gạo nếp cái hoa vàng được nhiều doanh nghiệp thu mua và sản phẩm được bày bán trên khắp các đại lý, siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn nhỏ trên toàn quốc. Ngoài ra, vào mùa vụ thu hoạch nếp cái hoa vàng Yên Phụ còn được các thương lái ở Hà Nội thu mua về làm cốm – một trong những món ăn ẩm thực nổi tiếng của người Hà thành. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng cảm nhận và lựa chọn sản phẩm, mang hương vị đậm chất quê nhà, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người

Tuy nhiên, người trồng nếp cái hoa vàng nơi đây cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Trước hết là khó khăn về kỹ thuật canh tác, mỗi giống lúa đều có những đặc trưng thích ứng với điều kiện môi trường riêng, nếu không có những biện pháp canh tác thích hợp, năng suất của cây trồng sẽ bị hạn chế. Nếp cái hoa vàng là giống lúa dài ngày chỉ cấy được ở vụ mùa và có thời gian sinh trưởng tới 150 ngày (kể từ khi gieo mạ). Do dài ngày nên giống lúa nếp cái hoa vàng thường thu hoạch cuối cùng. Ngoài ra, nếp cái hoa vàng còn cho năng suất thấp, bằng khoảng 60% một số giống nếp mới. Nếu canh tác không đúng quy trình kỹ thuật và lại bị sâu bệnh hại thì năng suất thu hoạch thấp.

Ngoài những khó khăn về kỹ thuật canh tác đối với giống lúa “cao cấp” này, người nông dân còn gặp phải những khó khăn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu “nếp cái hoa vàng”. Hiện nay, nếp cái hoa vàng chính hiệu đang bị lẫn với nhiều sản phẩm lúa nếp có chất lượng thấp hơn.

Để quản lý tốt hơn chất lượng của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người sản xuất và gìn giữ, phát huy giá trị của sản phẩm, từ năm 2013, chính quyền xã Yên Phụ triển khai cho người dân gieo trồng, sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn Vietgap để tăng năng suất chất lượng gạo.

Chia tay chúng tôi, ông Quảng trầm tư nói: “Để cho sản phẩm nếp cái hoa vàng có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường gạo của Việt Nam cũng như quốc tế, người dân mong muốn chính quyền sớm xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nếp cái hoa vàng Yên Phụ. Đồng thời quảng bá rộng rãi về hình ảnh, về chất lượng nếp cái hoa vàng Yên Phụ lên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, người dân mong muốn được hỗ trợ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ về thị trường tiêu thụ để sản phẩm nếp cái hoa vàng Yên Phụ đều được đến tay người tiêu dùng”.

Rời Yên Phụ, tôi lại nghe vang câu thơ:

“… Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”

Phải chăng, đây là loại lúa nếp cái hoa vàng Yên Phụ nổi tiếng vùng đất Kinh Bắc – Hương lúa nếp thơm nồng của cốm mới, của cánh đồng màu xanh lúa trổ, hương xôi, hương bánh… trên mâm cỗ Tết kính cẩn trước bàn thờ gia tiên?

Thái Hải