Hội thảo khoa học về “Quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Trà Vinh”

15/07/2022 16:59

 Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 15/7, tại Nhà khách Tỉnh ủy do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức. Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và phát biểu với hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D (Hà Nội) và hơn 50 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã… hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Minh Truyền nhấn mạnh: hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm đẩy mạnh hoạt động phát triển tài sản trí tuệ theo hướng gắn kết chặt chẽ với truy xuất nguồn gốc (mã QR) để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu.  

Giai đoạn 2016 – 2021, Trà Vinh có 218 nhãn hiệu được bảo hộ (có 208 nhãn hiệu thông thường, 01 nhãn hiệu chứng nhận, 38 nhãn hiệu tập thể), có 17 kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ. Hiện toàn tỉnh có 693 nhãn hiệu đã được bảo hộ (từ năm 1992 đến tháng 3/2022). Tuy nhiên, vẫn còn thấp so với tiềm năng của tỉnh. Đồng thời, toàn tỉnh hiện có trên 345 sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ thuộc 06 nhóm ngành theo phân loại sản phẩm OCOP, nhưng chỉ có 109 sản phẩm (chiếm 31%) đáp ứng yêu cầu về nhãn hiệu, bao bì và các tiêu chí về sản phẩm OCOP, có hơn 69% sản phẩm đã có nhãn hiệu nhưng chưa phát triển được.

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các sở, ngành, các diễn giã và có nhiều ý kiến của các DN/HTX phân tích làm rõ nguyên nhân, các chủ sở hữu nhãn hiệu không có hoặc không duy trì được kế hoạch (hay chiến lược) xây dựng uy tín, hình ảnh nhãn hiệu sản phẩm sau khi đã được đăng ký độc quyền, không quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ, qui trình sản xuất, nâng cao chất lượng, nên đăng ký sở hữu trí tuệ hạn chế…

Từ những thuận lợi và khó khăn, đại biểu tham dự hội thảo đề ra một số quan điểm thực hiện trong thời gian tới: cần lồng ghép hoạt động sở hữu trí tuệ vào các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; trước mắt, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP hoặc biểu tượng chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Quỳnh Thiện nhấn mạnh: đại biểu tham dự hội thảo đã được các diễn giả là các chuyên gia lĩnh vực quản lý và tư vấn sở hữu trí tuệ; với 06 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi đã làm rõ thêm những nguyên nhân và những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Sở KH-CN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã bám sát theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng bền vững, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, với quyết tâm cao để quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và đóng vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh…