MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Khái nim quyn s hu

Khi nói đến quyền sở hữu, tức là người ta nói đến việc một cá nhân, tổ chức có được đầy đủ các quyền đối với một tài sản nào đó, có thể là tài sản hữu hình, có thể là tài sản vô hình. Một cá nhân hay một pháp nhân có đầy đủ quyền đối với một tài sản nào đó có nghĩa là họ có đầy đủ ba quyền sau: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận quyền sở hữu này tại Điều 2, chương X, phần thứ 2 Bộ luật Dân sự: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, khi nói đến quyền sở hữu là nói đến  ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Cụ thể ba quyền này như sau:

– Quyền chiếm hữu: theo Điều 20 và 22 Mục 1, chương 12 Bộ luật Dân sự: Quyền chiếm hữu có nghĩa là quyền nắm giữ, quản lý tài sản đó. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản đó nhưng không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

– Quyền sử dụng: theo quy định tại Điều 30 và 31, Mục 2, chương 12 Bộ luật dân sự: Quyền  sử dụng có nghĩa là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mà người có quyền chiếm hữu nó. Tuy nhiên chủ sở hữu không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác khi sử dụng khai thác quyền.

Quyền định đoạt: theo quy định tại điều 33 và 35, Mục 3, chương 12 Bộ luật dân sự: quyền định đoạt có nghĩa là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Có nghĩa là chủ sở hữu có quyền đem bán, làm vật trao đổi, làm vật tặng cho, đem cho vay, để thừa kế hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Nói tóm lại: Người có quyền sở hữu đối với tài sản thì họ có quyền được thực hiện các hành vi như cất giữ, quản lý, đem khai thác để hưởng hoa lợi hoặc lợi tức từ tài sản mà mình có quyền sở hữu và chủ sở hữu có quyền đem cho, tặng, bán, cho vay…tất nhiên các hành vi này phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ tài sản trí tuệ là gì. Theo qui định của pháp luật, tài sản trí tuệ là những thành quả do con người tạo ra thông qua hoặt động sáng tạo, bao gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật như tác phẩm âm nhạc, các bản hội hoạ, điêu khắc…..và các sáng tạo về khoa học kỹ thuật như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay các bí quyết kỹ thuật, giống cây trồng mới.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ như các tác phẩm âm nhạc, hội hoạ,và các sáng tạo về khoa học kỹ thuật như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp….dã nêu trên. Nhưng ở đây có một điều khác biệt, đó là bản chất của các sáng tạo của con người là thông tin và do vậy nó không giống tài sản hữu hình như nhà cửa, đất đai, tàu thuyền, xe cộ……là những vật sờ nắm được nên quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ có những nét đặc thù riêng và tuỳ theo từng đối tượng một mà nó chỉ có quyền này và không có quyền kia ví dụ:

– Đối với sáng chế, KDCN, NHHH: biểu hiện rõ nhất là quyền sử dụng và quyền định đoạt còn quyền chiếm hữu thì thể hiện rất đặc thù.

– Đối với chỉ dẫn địa lý: chỉ có quyền sử dụng không tồn tại quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

Khi nói đến quyền sở hữu trí tuệ cũng cần hiểu đây là một thuật ngữ chỉ các quyền của cá nhân, pháp nhân đối với hai nhánh chính:

 Nhánh thứ nhất: đó là quyền sở hữu đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Nhánh thứ hai: đó là quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả:

Quyền tác giả là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm văn học nghệ thuật. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền hợp pháp của tổ chức và cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và phát sóng.

Đối tượng của quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

– Đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, cuộc phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:

– Tác phẩm viết;

– Các bài giảng, bài phát biểu;

– Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác;

– Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, video;

– Tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc;

– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

– Các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình;

– Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

– Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải;

– Phần mềm máy tính

Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải là bản gốc, tức là được tác giả sáng tác chứ không phải là sao chép tác phẩm của người khác.

Quyền sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền đối với giống cây trồng.

(tổ chức, cá nhân thực chất là thể nhân và pháp nhân, Chúng tôi dùng tổ chức, cá nhân là dùng theo luật quy định cho thống nhất)

Quyền sở hữu công nghiệp có thể được chia thành 2 nhóm:

– Quyền sở hữu đối với các thành tựu sáng tạo công nghệ như: Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Bí mật kinh doanh và quyền đối với Giống cây trồng.

– Quyền sở hữu đối với các chỉ dẫn thương mại như Nhãn hiệu hàng hoá, Tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý.

Phân biệt tài sản hữu hình và tài sản vô hình

Tài sản hữu hình: là loại tài sản có thể nhìn thấy được, sờ nắm được như nhà cửa, đất đai, tàu thuyền, xe ô tô, xe máy…

Tài sản vô hình: là loại tài sản không nhìn thấy được một cách cụ thể vì nó chủ yếu tồn tại dưới dạng thông tin, nhưng trên thực tế hiện nay nó có thể đem lại lợi ích kinh tế có thể là rất cao. Trước đây, do quan niệm con người thường không để ý đến chúng. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, người ta nhận ra rằng tài sản sở hữu trí tuệ thật sự mới là những lợi thế của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thành đạt thông thường bao hàm trong nó rất nhiều những ý tưởng kinh doanh, những sáng tạo trong việc cải tiến mẫu mã, cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu giải pháp kinh doanh…và như vậy nó đã thể hiện rằng doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để nhằm phát triển và pháp luật cần phải bảo vệ những thành quả và công sức này cho Doanh nghiệp.

Đối với loại tài sản này, chúng ta có thể nhận biết nó bằng nhiều cách khác nhau. Như một giải pháp kỹ thuật có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm và hạ giá thành hay như một nhãn hiệu hàng hoá mà thông qua nó người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm của công ty và họ quyết định mua sản phẩm không mất nhiều thời gian tìm kiếm nguồn gốc và tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm thì đó là giá trị không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Quyền sở hữu trí tuệ là sự sáng tạo của con người, bản chất của nó là mang tính thông tin do vậy mà nó rất dễ bị bộc lộ và bị chiếm đoạt. Để đảm bảo quyền và lợi ích của chủ sở hữu và khuyến khích hơn nữa sự sáng tạo của con người, các Nhà nước nói chung và Nhà nước Việt Nam nói riêng có cơ chế bảo hộ chung bằng pháp luật và theo đó là công nhận quyền cho những người đã sáng tạo hoặc đầu tư để sáng tạo ra nó.