- Nhãn hiệu chứng nhận là gì?
Khoản 18 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về nhãn hiệu chứng nhận như sau:
“Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu”
Theo khoản 4 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.”
Như vậy, có thể thấy chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận sẽ là tổ chức. Tổ chức này có quyền sở hữu, sử dụng và quản lý việc sử dụng nhãn hiệu hiệu chứng nhận cụ thể như sau:
- Về quyền sở hữu: Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ phụ thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đó và không thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; tổ chức này sẽ được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
- Về quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có quyền cho phép các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho hàng hóa, dịch vụ của họ nếu hàng hóa, dịch vụ đó có các đặc tính xác định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Các tổ chức, các nhân muốn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định trong Quy chế sử dụng nhãn hiệu.
- Về quyền quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: Theo quy định tại
Điểm 37.6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì: Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có quyền quản lý việc sử dụng nhãn hiệu theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, bao gồm: cấp phép sẻ dụng; kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu để bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ được xác nhận; đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Người được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần phải có nghĩa vụ tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu như: bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ; chịu sự kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu; nộp phí quản lý nhãn hiệu,…
Tài liệu yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bao gồm:
- Đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế.
- Quy chế sẻ dụng nhãn hiệu chứng nhận: Quy chế này phải có đầy đủ các nội dung sau đây:
+ Tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu;
+ Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
+ Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
+ Phương pháp đánh giá đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
+ Chi phí sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu (nếu có);
- Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn
- Tài liệu xác nhận cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Bản thuyết minh chất lượng hàng hóa/dịch vụ;
- Bản đồ xác định địa giới (Bản đồ này phải được xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hoặc tính chất, chất lượng phụ thuộc vùng địa lý đó).