Ngày 07/05/2020, Tổ chuyên gia của Công ty S&D INVEST đã tiến hành cuộc khảo sát thực tế, chuẩn bị quá trình xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo Japonica tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.
Theo Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa, chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, việc xác lập và phát triển nhãn hiệu gạo Japonica được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan lựa chọn để xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo Japonica. Đây là hai vùng trồng lúa trọng điểm trên địa bàn huyện, cũng như Thành phố Hà Nội, đồng thời hai địa phương cũng là những ngọn cờ đầu trong thực hiện kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Xem thêm: Công ty S&D tổ chức tập huấn Quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Bánh đa nem Yên Phụ
Nhằm chuẩn bị những tư liệu cần thiết và quan trọng để tiến hành nhiệm vụ xác lập Nhãn hiệu tập thể nói trên, S&D INVEST thực hiện cuộc khảo sát thực tế tại hai xã Mỹ Thành, Nam Phương Tiến với mục tiêu nắm được thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo Japonica cũng như lắng nghe ý kiến trao đổi từ lãnh đạo xã, bà con nông dân và cơ sở kinh doanh, phân phối gạo địa phương. Cuộc khảo sát thực hiện phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhanh, bảng hỏi khảo sát,… để thu nhận thông tin.
Về thực trạng sản xuất gạo Japonica
Như số liệu thống kê do hai xã cung cấp, xã Nam Phương Tiến có tổng diện tích trồng lúa 380ha, trồng giống lúa Japonica là 200ha. Trong đó, ở xã Mỹ Thành, diện tích lần lượt là 232ha, 60ha.
Dù thời gian gieo trồng giống lúa japonica chưa lâu (xã Mỹ Thành – 5 năm, xã Nam Phương Tiến- 4 năm) nhưng nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp, thuận lợi, công tác tổ chức hướng dẫn kỹ thuật canh tác thường xuyên, hiệu quả nên việc canh tác giống lúa mang lại lợi ích kinh tế cao. Những giống Japonica được gieo trồng chủ yếu gồm J01, J02, DS01, được người nông dân đánh giá cao về chất lượng, năng suất, khả năng chống đổ, chống đạo ôn,… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian canh tác giống lúa này lâu hơn những giống lúa khác là điều khiến người nông dân băn khoăn trước khi gieo trồng.
Về thực trạng tiêu thụ gạo Japonica
Sản xuất và đồng thời tiêu thụ, sử dụng gạo Japonica, người dân địa phương nhận xét chất lượng gạo béo, dẻo, thơm và rất đậm vị. Giá bán thóc tươi tại ruộng khoảng 7.000-8.000VNĐ/kg, còn giá gạo tại chợ khoảng 12.000-15.000/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại chợ địa phương, có mang lên thị trường trung tâm Hà Nội và sang các tỉnh khác nhưng không đáng kể, và chưa tham gia thị trường xuất khẩu.
Xem thêm: Đưa nhãn hiệu Bánh tẻ làng Chờ vào đời sống sản xuất kinh doanh
Về nhu cầu tham gia xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo Japonica
Xây dựng Nhãn hiệu tập thể và chiến lược quảng bá thương hiệu không còn là vấn đề còn quá mới mẻ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Lãnh đạo hai xã Mỹ Thành, Nam Phương Tiến cũng như bà con nông dân tham gia khảo sát đều ủng hộ dự án xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương. Đa phần mọi người đều hiểu được lợi ích kinh tế – xã hội không nhỏ mang lại từ dự án.
Qua trao đổi liên quan đến ý tưởng mẫu nhãn hiệu, phần lớn ý kiến muốn để tên xã, tên huyện và thành phố trên logo để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Về hình ảnh, những biểu tượng mang tính tượng trưng như cây gạo cổ (xã Mỹ Thành), đồi núi (xã Nam Phương Tiến), cây lúa, hạt gạo (xã thuần nông),…..đều được mọi người đưa ra thảo luận.
Kết thúc cuộc khảo sát, Tổ chuyên gia S&D INVEST có cái nhìn khách quan, đa chiều về thực trạng sản xuất kinh doanh gạo Japonica cũng như thái độ của người dân với dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể. Những tư liệu, ý kiến, mẫu sản phẩm đã thu thập sẽ được phân tích, đánh giá để tiến hành các bước tiếp theo. Đây là bước chuẩn bị cần thiết đảm bảo các giai đoạn phía sau của dự án thành công, hiệu quả