(ĐCSVN) – Sự việc gạo ST25 của Việt Nam bị một số doanh nghiệp tại Mỹ và một doanh nghiệp tại Úc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trong khi gạo ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lúa ST25 được nghiên cứu lai tạo bởi các nhà khoa học Việt Nam là hồi chuông cảnh báo cho việc cần khẩn trương thực hiện bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam tại các thị trường.
Gạo ST25 của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, Úc. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Được biết, từ năm 2020, 4 doanh nghiệp tại Mỹ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 lên cơ quan Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Trong đó, riêng hồ sơ của I&T Enterprises Inc được chấp thuận và được thông qua bước đầu. Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO. Và theo thông báo ngày 14/4/2021 của USPTO, nhãn hiệu ST25 số 90009521 của I&T Enterprises Inc sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ vào ngày 4/5/2021. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp đơn phản đối thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ.
Không chỉ dừng lại tại thị trường Mỹ, tại thị trường Úc, trong tháng 4 vừa qua, một công ty ở nước này đã nộp đơn đến Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia) xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.
Trong khi đó, gạo ST25 là thành phẩm được chế biến từ giống lúa ST25 vốn được lai tạo bởi nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Đây cũng là loại gạo đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s best rice, do The Rice Trader (TRT) tổ chức thuộc Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines năm 2019. Và cũng tại cuộc thi này, năm 2020, ST25 đạt giải Nhì gạo ngon nhất thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, đối với thị trường Mỹ, ông Bùi Huy Sơn – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Thương vụ đã trao đổi với đại diện USPTO và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế. Ngay sau đó, phía USPTO đã có hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ, kể cả trước khi cơ quan này công bố thông tin về hồ sơ của I&T Enterprises Inc vào ngày 4/5.
Tại thị trường Úc, ngay khi có thông tin, Trưởng cơ quan Thương vụ, ông Nguyễn Phú Hoà đã chủ động trao đổi với Lãnh đạo Công ty T&L Global foods Supply PTY LTD – đơn vị đăng ký nhãn hiệu ST24 và ST25. Lãnh đạo doanh nghiệp rất có thiện chí và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu của công ty.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam cũng đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến IP Australia để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị IP Australia xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra; làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST24, ST25 từ Việt Nam sang Úc. Đi cùng với đó, Thương vụ đã đề nghị cùng với ông Hồ Quang Cua đẩy nhanh các thủ tục liên quan để khắc phục sự việc.
Vấn đề ở đây cho thấy, nếu không nhanh chóng chứng minh ST24, ST25 là giống lúa của Việt Nam tại các thị trường này, thì sẽ dẫn đến việc nếu không có những công ty này sẽ có những công ty khác có những việc làm tương tự như trên. Bởi rõ ràng ở những thị trường này, ST24 và ST25 chưa được khẳng định rằng đó là bản quyền riêng của Việt Nam. Và hôm nay là thị trường Mỹ, rồi đến thị trường Úc và ngày mai liệu còn thị trường nào nữa sẽ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 của Việt Nam?
Và liệu rằng, nếu các đơn vị nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, tại những thị trường này, người tiêu dùng có còn biết đến ST25 – loại gạo ngon nhất, nhì thế giới là của Việt Nam, hay chỉ biết đến các công ty của Mỹ, Úc đã đăng ký nhãn hiệu. Và khi đó, liệu chúng ta có cam lòng nhìn thấy sản phẩm của nước mình, bao nhiêu công sức của các nhà khoa học bỏ ra nhưng lại được biết đến là sản phẩm của nước khác?
Từ câu chuyện của gạo ST24 và ST25 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin bảo hộ các sản phẩm của mình tại những thị trường có nhu cầu là việc làm hết sức cần thiết. Bởi những chi phí ban đầu chắc chắn sẽ không thể so sánh được với việc nếu nhãn hiệu bị cướp mất. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp của Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường này.
Vấn đề ở đây, các doanh nghiệp cần chú ý, với việc bảo hộ nhãn hiệu, tuân theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là, nếu doanh nghiệp đã có đăng ký bảo hộ ở Việt Nam không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở các thị trường khác như: Mỹ, Úc,… Do vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam không chỉ cần được quan tâm ở trong nước mà còn cần quan tâm làm các thủ tục để bảo hộ tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường trọng điểm có xuất khẩu các sản phẩm này. Đây cũng là vấn đề rất cần thiết khi Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, tuân thủ theo các nguyên tắc của “sân chơi lớn” và đặc biệt để bảo vệ cho sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam, đã tạo được tiếng vang trên thị trường thế giới.
Hẳn chúng ta đã biết, không chỉ bây giờ, gạo ST24, ST25 của Việt Nam mới trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm mà trước đó, một số loại sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam cũng đã xảy ra những vụ việc tương tự đối với các mặt hàng như: cà phê, kẹo dừa,… Và rõ ràng, những vụ việc này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của Việt Nam.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với việc chưa chú trọng đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản tại các thị trường nước ngoài thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dẫn đến việc giá và khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Người tiêu dùng ít biết đến nông sản Việt Nam; khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Và dĩ nhiên, việc mất thương hiệu, giả mạo, tranh chấp, vướng mắc thủ tục sẽ là điều khó tránh khỏi, từ đó dẫn đến vướng mắc khi xuất khẩu nông sản tại cơ quan hải quan nước ngoài.
Thực tế hiện nay, tại nước ta, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, ít nông sản được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, chỉ có một số sản phẩm đã được bảo hộ như: cà phê Buôn Ma Thuột bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan; quế Văn Yên bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan; vải thiều Lục Ngạn bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, nhãn hiệu tập thể tại Úc, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Cambodia; Thanh long Bình Thuận bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản; Chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ, Trung Quốc; Chè Mộc Châu được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Thái Lan.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ mang lại những lợi ích rõ rệt cho nông sản của Việt Nam. Cụ thể như: trước và sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong tăng giá khoảng 5 lần/kg; mật ong Mèo Vạc tăng giá 2,5 lần/lít; bưởi Tân Triều tăng giá khoảng 40%,…
Với những lợi ích mang lại và để bảo vệ cho thương hiệu của nông sản Việt Nam, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam được vươn xa hơn trên thị trường thế giới, được người tiêu dùng biết đến và là niềm tự hào của người Việt Nam, tránh những rắc rối liên quan thì giải pháp mang tính giải quyết được vấn đề nhất, đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước để tự bảo hộ sở hữu trí tuệ của các sản phẩm mang bản quyền sáng chế của mình tại các thị trường nhập khẩu có nhu cầu. Và hơn ai hết, các doanh nghiệp cần có thái độ, hành động chủ động đầu tiên để bảo vệ những “đứa con” của mình, đừng để thêm những vụ việc tương tự như trên diễn ra!./.
Theo BT (ĐCSVN)