BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ BAN HÀNH THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

Ngày 28/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

                                                       Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thông tư này hướng dẫn nội dung lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, nội dung hợp đồng dự án PPP và một số nội dung khác theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

Thông tư này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc được ủy quyền theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; Bên cho vay và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện dự án PPP.

Đối với việc Công khai thông tin dự án và hợp đồng dự án, Thủ tướng yêu cầu: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án nhóm C, thông tin dự án, danh mục dự án được công bố theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng dự án, bên mời thầu có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, trừ các nội dung cần bảo mật đã được thỏa thuận tại hợp đồng dự án hoặc theo quy định của pháp luật về bảo mật.

Về việc hướng dẫn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP, Thông tư nêu rõ: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của dự án. Thông tin cơ bản của dự án bao gồm: Tên dự án; Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; Tên đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án; Địa điểm, quy mô, công suất dự án, diện tích sử dụng đất; Yêu cầu về kỹ thuật; Dự kiến tổng vốn đầu tư; Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (nếu có); Loại hợp đồng dự án; Các chỉ tiêu chính thuộc phương án tài chính sơ bộ; Thời gian hợp đồng dự án; Ưu đãi và bảo đảm đầu tư; Các nội dung liên quan khác.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm: Sự cần thiết đầu tư dự án; Thuyết minh về kỹ thuật của dự án; Tác động về môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh; Dự báo nhu cầu; Phân tích sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; Phân tích tài chính dự án; Loại hợp đồng dự án; Phân tích rủi ro trong quá trình thực hiện dự án; Các hỗ trợ của Nhà nước; Quản lý thực hiện dự án.

Đơn vị thẩm định xem xét sự phù hợp của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với một số nội dung sau: Sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; Tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư dự án; Tác động của việc thực hiện dự án đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; Sự phù hợp của các mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể đối với hiện trạng của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương, khả năng giải quyết các vấn đề mà cộng đồng dân cư yêu cầu; Lợi thế của việc đầu tư dự án theo hình thức PPP so với các phương thức đầu tư khác.

Bên cạnh đó, về việc hướng dẫn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP. Thông tư đã quy định: Báo cáo nghiên cứu khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của dự án PPP. Thành phần hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm: Văn bản trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Báo cáo nghiên cứu khả thi; Văn bản thỏa thuận giữa Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với nhà đầu tư về việc giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi (trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất); Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (trừ dự án nhóm C); Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm: Sự cần thiết đầu tư dự án; Thuyết minh về kỹ thuật của dự án; Tác động về môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh; Dự báo nhu cầu; Phân tích hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; Phân tích tài chính dự án; Loại hợp đồng dự án; Phân tích rủi ro trong quá trình thực hiện dự án; Các hỗ trợ của Nhà nước; Kế hoạch thực hiện dự án; Quản lý thực hiện dự án.

Đơn vị thẩm định xem xét sự phù hợp của Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với một số nội dung sau: Sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; Tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư dự án; Tác động của việc thực hiện dự án đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; Sự phù hợp của các mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể đối với hiện trạng của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương, khả năng giải quyết các vấn đề mà cộng đồng dân cư yêu cầu; Lợi thế của việc đầu tư dự án theo hình thức PPP so với các phương thức đầu tư khác; Mức độ ảnh hưởng của các dự án có liên quan./

Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp – Nguyễn Thanh Hòa thực hiện.