ĐIỂM MỚI CỦA BẢO ĐẢM DỰ THẦU.

Theo phản ánh của một số chủ đầu tư, bên mời thầu, quy định và hướng dẫn mới về hình thức nộp bảo đảm dự thầu gây ra những khó khăn và vướng mắc trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, để các chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như các nhà thầu hiểu rõ hơn về quy định mới này, bài viết dưới đây sẽ so sánh quy định của pháp luật mới với quy định trong pháp luật đấu thầu trước đây, từ đó đưa ra các lưu ý trong việc áp dụng BĐDT cho phù hợp.

Bảo đảm dự thầu là gì?

Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định Bảo đảm dự thầu (BĐDT) là việc nhà thầu thực hiện một trong các biện phát đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhành ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC).

Như vậy, so với pháp luật đấu thầu cũ (Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP) thì khái niệm về BĐDT về cơ bản được giữ nguyên, trong đó chủ yếu nhấn mạnh đến mục đích các nhà thầu cần phải nộp BĐDT là để bảo đảm trách nhiệm tham dự thầu của mình.

Hình thức bảo đảm dự thầu phù hợp?

Luật đấu thầu mới và pháp luật đấu thầu cũ đều quy định nhà thầu thực hiện BĐDT theo một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu và đảm bảo phù hợp với xu thế “thanh toán không tiền mặt”, trong các Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập HSMT cung cấp hàng hóa, xây lắp hướng dẫn nhà thầu nộp BĐDT theo hình thức đặt cọc bằng séc hoặc nộp Thư bảo lãnh dự thầu, không yêu cầu nhà thầu nộp bằng tiền mặt. Đối với các gói thầu có giá trị nhỏ hơn, áp dụng chào hàng cạnh tranh thì Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập HSYC chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh vẫn có thẻ căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu để thực hiện BĐDT bằng tiền mặt, séc hoặc bảo lãnh dự thầu.

Theo quy định của pháp luật đấu thầu cũ thì hình thức BĐDT chủ yếu mà các nhà thầu hay sử dụng là tiền mặt hoặc Thư bảo lãnh dự thầu. Thực hiện theo quy định mới nêu trên, do không được nộp BĐDT bằng tiền mặt, nên để thuận tiện và hạn chế thủ tục cũng như thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, nhiều nhà thầu đã lựa chọn ĐBDt bằng séc. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư phàn nàn và quan ngại về việc nhiều trường hợp trong quá trình đánh giá khi cần thư BĐDT của nhà thầu thì chủ đầu tư phát hiện séc không đủ khả năng thanh toán tức là tài khoản nhà thầu không đủ số tiền như nêu trong tờ séc dẫn đến việc chủ đầu thư không thu được đầy đủ giá trị bảo lãnh dự thầu như yêu cầu của HSMT.

Về vấn đề này, pháp luật về đấu thầu không quy định cụ thể, tuy nhiên khi lập HSMT, HSYC chủ đầu tư cần phải nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật liên quan về cung ứng và sử dụng séc để tuân thủ theo quy định của pháp luật mà vẫn đảm bảo quyền lợi của mình khi tổ chức đấu thầu.

Theo quy định của Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005/QH11 và Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế cung ứng và sử dụng séc quy định, để đảm bảo  khả năng thanh toán séc được áp dụng “séc bảo chi”. Đó là tờ séc được người ký phát xác nhận đảm bảo thanh toán khi tờ séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình, trong đó, người bị ký phát là tổ chức có trách nhiện thanh toán số tiền ghi trên séc theo lệnh của người ký phát (người lập và ký phát hành séc-nhà thầu) như ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán…Nói cách khác, séc bảo chi là loại séc thanh toán được tổ chức cung ứng séc đảm bảo khả năng chi trả vì séc chỉ được bảo chi khi người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc, hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc, hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản nhưng được người bị ký phát chấp thuận cho người ký phát thấu chi đến một hạn mức nhất định để bảo đảm khả năng thanh toán cho số tiền ghi trên tờ séc. Theo đó, trên tờ séc sẽ ghi rõ cụm từ “bảo chi”.

Như vậy, để đảm bảo khả năng thanh toán cho chủ đầu tư trong trường hợp nhà thầu không được nhận lại BĐDT, trong HSMT, HSYC có thể hướng dẫn rõ cho nhà thầu nếu nộp BĐDT bằng séc thì nộp séc bảo chi theo quy định của pháp luật có liên quan.