BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA SẢN PHẨM GẮN VỚI ĐỊA DANH

Ngày 04 tháng 04 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Chương trình 68), mở đầu cho các hoạt động hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản tại các làng nghề của các địa phương; tiếp nối thành công của Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010 và Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, một trong những mục tiêu của Chương trình giai đoạn này là “Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh”.

Nhằm cụ thể hóa và hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc Gia giai đoạn 2016-2020, đã có trên 35 tỉnh/thành phố, các địa phương trên cả nước xây dựng và ban hành Đề án/Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, với mục tiêu xây dựng, quản lý và quảng bá cho tất cả các sản phẩm đặc sản và làng nghề của các địa phương; tính đến ngày 20/11/2017, Việt Nam đã bảo hộ cho khoảng 1359 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tính đến tháng 03/2018 đã bảo hộ 63 Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề trong cả nước (trong đó Bắc Giang đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệxây dựng thương hiệu cho 46 sản phẩm; Quảng Ninh đã hỗ trợ xây dựng cho 24 sản phẩm; Hải Phòng đã hỗ trợ xây dựng cho 34 sản phẩm; Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng cho 17 sản phẩm; Hải Dương đã hỗ trợ xây dựng cho 21 sản phẩm; Hà Nam đã hỗ trợ xây dựng cho 11 sản phẩm;…).

Đa số các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các tỉnh sau khi thực hiện quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Cam Cao Phong (Hòa Bình) giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%; Chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%; Bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá bán tăng lên 3,5 lần; Cam Vinh giá tăng lên hơn 50%; Chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý được bán cao hơn từ 1,7 -2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì; Chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý; Vải thiều Lục Ngạn được coi là mô hình mẫu cho việc gắn kết giữa hoạt động KH&CN và sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (đã xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan, Malaysia,… giá cao hơn nhiều so với xuất khẩu sang Trung Quốc);…

Các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các địa phương luôn gắn liền với tên địa danh, mang những tính chất đặc thù riêng. Các dấu hiệu này được gắn kèm theo nhãn hiệu riêng của từng doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm để phân biệt với các sản phẩm khác cùng loại. Để được trao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ này, thì các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình phải đáp ứng các điều kiện nhất định, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí chất lượng cụ thể và tuân theo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, đó là một trong những căn cứ giúp bảo đảm uy tín và danh tiếng của sản phẩm; sản phẩm để được lưu thông trên thị trường phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và đúng nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là lý do tại sao người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể so với sản phẩm thông thường cùng loại.