KHỞI SẮC TỪ NGHỀ MÂY TRE ĐAN (MÂY TRE ĐAN XUÂN HỘI)

(Thanh tra)- “Anh có về Kinh Bắc quê em/ Mà nghe Quan họ, mà xem làng nghề”. Câu hát ngọt ngào ấy đã đưa chúng ta về với Kinh Bắc (Bắc Ninh) – không chỉ nổi tiếng với làn điệu quan họ làm say đắm lòng người, mà đây còn là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Trong đó phải kể đến làng nghề với sản phẩm làm từ mây tre đan, làng nghề mây tre đan Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.
Khởi sắc từ nghề mây tre đan
Với bàn tay khéo léo của mình, các nghệ nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng từ mây tre.

Giữ gìn “báu vật” gia truyền

Theo các cụ niên trong làng, tương truyền rằng nghề mây tre đan là nghề truyền thống của làng, bắt đầu từ việc dùng những sản phẩm có sẵn và dễ tìm trong thôn, làng như tre, mây, cói để sản xuất ra các vật dụng phục vụ nhu cầu mưu sinh như đó, lờ, rổ, rá, dần, sàng…

Cụ Trịnh Bá Đê (80 tuổi) cho biết, trước kia nghề mây tre đan rất nhộn nhịp, người Xuân Hội thường đan các vật phục vụ sinh hoạt và bán cho dân trong vùng, rồi đến những năm 60, nghề mây tre đan được xuất khẩu cho Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô tan rã, nghề mây tre đan Xuân Hội dần dần mai một, vì không có đầu ra.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyếttâm tư: “Khi nghề không còn phát triển nữa, tôi đã bỏ nghề đan đi làm than ở Quảng Ninh rồi học nghề thầy lang đi bán thuốc dạo kiếm sống. Với suy nghĩ “quê mình có nghề truyền thống, chẳng lẽ không thể sống bằng nghề mà cứ phải bươn trải ngành nghề khác, nên chúng tôi quyết phải giữ nghề và làm giàu từ nghề đan mây tre”.

Từ năm 1990, nghề sản xuất mây tre đan của làng đi vào phục hồi và phát triển, với việc thường xuyên cải thiện mẫu mã, không ngừng nâng cao về chất lượng sản phẩm. Nếu trước kia, các sản phẩm chủ yếu chỉ là vật dụng gia đình đơn giản như: Quạt nan, giỏ đựng phích bằng nan tre, bình đựng ấm trà… thì hiện nay, theo xu thế của thị trường, nghề mây tre đan Xuân Hội đã phát triển đa dạng với các mặt hàng: Lẵng hoa, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà… Cho đến nay, sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương trong cả nước và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật, Nga, Mỹ…

 Có “của ăn, của để” từ nghề

Ông Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội nông dân xã Lạc Vệ cho biết, hiện nay, toàn thôn Xuân Hội có khoảng 700 hộ dân, với khoảng hơn 1.200 lao động chính thì có trên 50% làm các công việc về mây tre đan trong các hợp tác xã, công ty, tổ sản xuất, gia đình; với việc duy trì hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nhiều loại mặt hàng mây tre đan, tính đến nay nguồn thu từ mây tre đan chiếm khoảng 70% kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Ông Lập chia sẻ thêm: Nếu như tre trúc Xuân Lai vươn xa mình với những sản phẩm hun khói đặc trưng, thì mây tre đan Xuân Hội, lại mang trong mình những kỹ thuật nhuộm đan từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

“Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của địa phương đều đã áp dụng máy móc, kỹ thuật hỗ trợ cho quá trình sản xuất sản phẩm, đặc biệt là các công đoạn như chẻ nan, vót nan… Tuy nhiên, để tạo nên một sản phẩm mây tre đan có chất lượng phụ thuộc rất lớn vào bí quyết. Đơn cử như trong việc xử lý nguyên vật liệu để tránh mối mọt, đảm bảo độ bền cho sản phẩm thì mỗi gia đình đều có một cách thức khác nhau”, ông Lập cho biết thêm.

Những sản phẩm đặc sắc từ bàn tay khéo léo của làng nghề

Còn, nghệ nhân Đặng Ngọc Quyết cho hay: Nghề mây tre đan gắn liền với nhân dân chúng tôi từ lâu, từ các cụ già cho đến các em nhỏ, đàn ông hay phụ nữ, đều có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà… nên thu hút được ngày càng nhiều lao động trong và ngoài địa phương tham gia. Tuy nhiên, để tạo nên các sản phẩm đạt chất lượng thì đòi hỏi phải có sự khéo léo, kỹ thuật cao và đặc biệt có sự sáng tạo trong từng sản phẩm.

Và người dân Xuân Hội giờ đây đã sống được bằng nghề với mức thu nhập tương đối ổn định, trung bình khoảng 100-120 nghìn đồng/người/ngày công, người làm giỏi có thể đạt 170-200 nghìn đồng/người/ngày công. Nhiều gia đình có của ăn của để từ chính nghề truyền thống của địa phương, điển hình như gia đình ông Nguyễn Xuân Sâm, Đặng Ngọc Toàn, Đặng Ngọc Phùng…

Về Xuân Hội vào những ngày này, trên những con đường làng rộng rãi được trải bê tông chạy khắp các ngõ, xóm, những ngôi nhà hai, ba tầng còn thơm mùi sơn, chúng tôi bắt gặp cảnh nhộn nhịp, tất bật của các nghệ nhân đang chuẩn bị cho những đơn hàng vào dịp cuối năm. Nhiều sản phẩm mây tre đan được trang trí đẹp mắt đang được sắp sếp chuyển đi các nơi.

Thái Hải (Báo Thanh tra)