THỜI GIAN CÓ HIỆU LỰC CỦA BẢO ĐẢM DỰ THẦU

Câu hỏi: Ngày 20/03/2020, Tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu – Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D nhận được câu hỏi của Công ty A như sau: “Công ty chúng tôi có tổ chức lựa chọn nhà thầu, Trong HSMT quy định về thời gian có hiệu lực của HSDT là: “90 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu”; thời gian có hiệu lực của Bảo đảm dự thầu là: “120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu”. Có 1 nhà thầu nộp HSDT, trong đó nhà thầu có đề xuất thời gian có hiệu lực của HSDT là 91 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; thời gian có hiệu lực của BDDT là 120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Chuyên gia cho chúng tôi hỏi như vậy có phù hợp theo quy định của pháp luật không? Xin cảm ơn!

 

Chuyên gia tư vấn đấu thầu của S&D Invest xin trả lời như sau:

  • Căn cứ pháp lý:
  • Luật đấu thầu 2013
  • Nghị định 63/2014/NĐ-CP
  • Giải quyết tình huống
  • Theo điều 4 của Luật Đấu thầu số 43/2013/NĐ-CP quy định: “Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để đảm bảo trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.”
  • Theo khoản 1, điều 15 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: “Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.”
  • Theo điểm l, khoản 1, điều 12 của Luật Đấu thầu số 43/2013/NĐ-CP quy định: Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án.”
  • Đối với tình huống này, khi nhà thầu chào thời gian có hiệu lực của HSDT là 91 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu và thời gian có hiệu lực của BĐDT là 120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu phải đáp ứng được yêu cầu về thời gian có hiệu lực của HSDT và BĐDT được quy định trong hồ sơ mời thầu.

Theo khoản 4, điều 11 của Luật Đấu thầu số 43/2013/NĐ-CP quy định: “Thời gian có hiệu lực của Bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày”; Quy định được hiểu là áp dụng cho Chủ đầu tư, bên mời thầu khi xây dựng HSMT. Khi đã quy định hiệu lực của HSDT là 90 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu thì cần quy định hiệu lực của BĐDT là 120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Các yêu cầu này là tiêu chuẩn để đánh giá khi đánh giá HSDT của nhà thầu, hiệu lực HSDT, BĐDT được coi là đáp ứng được yêu cầu của HSMT nếu không ngắn hơn quy định trong HSMT mà không cần xét đến việc thời gian BĐDT có hiệu lực dài hơn 30 ngày so với thời gian HSDT có hiệu lực.

Do đó, nhà thầu đề xuất thời gian có hiệu lực của HSDT là 91 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; thời gian có hiệu lực của BDDT là 120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu là phù hợp theo quy định của HSMT.

Trên đây là tư vấn của chuyên gia S&D INVEST, nếu có vấn đề gì thắc mắc cần làm rõ, xin vui lòng liên hệ với CÔNG TY TNHH NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ S&D chúng tôi tại website: Sdinvest.vn hoặc http://consultgroup.vn hoặc qua Hotline 02466808086 chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ quy trình đăng ký trong thời gian nhanh nhất./.