Lưu ý khả năng phân biệt khi đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các lưu ý khi làm đơn đăng ký nhãn hiệu về khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

1.Những yếu tố chữ không có tính phân biệt

♦Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ A Rập, chữ tiếng Nga, chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Thái…;

♦Một tập hợp quá nhiều chữ cái (kể cả chữ số) hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định hoặc một văn bản, một đoạn văn bản. Ví dụ: BGMHCK

♦Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng đó là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức bị mất khả năng phân biệt. Ví dụ: Nylon (vải sợi)

♦Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính sản phẩm, dịch vụ liên quan. Ví dụ: Cosmetic (Mỹ phẩm)

♦Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính sản phẩm, dịch vụ như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ: Công nghệ Đức, dịch vụ chất lượng cao

♦Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu. Ví dụ: Group, Tập đoàn, Công ty cổ phần

♦Dấu hiệu chữ làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác như thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ: Chất lượng Nhật Bản (cho sản phẩm không tương ứng với các nội dung này)

Xem thêm: Các lý do từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu

2.Yếu tố hình không có khả năng phân biệt:

♦Hình hoặc hình học thông thường như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác… hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm.

Hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau.

♦Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi: Các ký hiệu giao thông, Chữ thập cho ngành y tế

♦Hình vẽ, hình ảnh thông thường của sản phẩm. Ví dụ: Hình ảnh quả cam cho dịch vụ mua bán hoa quả

♦Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ: Hình ảnh quả cam cho sản phẩm cho nước cam

♦ Hình vẽ, hình ảnh gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ: Tháp EIFFEL cho sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc ngoài nước Pháp

3.Đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó (đối chứng)

Để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối chứng, thẩm định viên sẽ so sánh về cấu trúc, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa (nội dung) và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu với sản phẩm, dịch vụ của đối chứng.

3.1: Về cấu trúc và cách phát âm

Trong thiết kế nhãn hiệu sẽ tồn tại phần có tính phân biệt cao gọi là phần chủ yếu, và phần có tính phân biệt thấp là phần thứ yếu. Phần thứ yếu có thể là phần ít nhiều mang tính mô tả (ví dụ: New, Super…) hoặc các dấu hiệu ít khả năng phân biệt, hoặc do được sử dụng thường xuyên nên kém tính phân biệt (ví dụ: System, Club,…)

♦ Trường hợp một dấu hiệu này nằm trong một dấu hiệu kia, và nếu dấu hiệu đầu tạo thành phần chủ yếu của dấu hiệu sau thì khả năng tương tự giữa hai dấu hiệu là rất lớn, ngay cả khi trong dấu hiệu sau còn có một phần chủ yếu khác. Ví dụ: nhãn hiệu XEROXMATE sẽ bị từ chối bởi nhãn hiệu XEROX

♦ Nếu dấu hiệu đầu là phần thứ yếu và nằm trong dấu hiệu thứ hai thì khả năng tương tự khó xảy ra. Ví dụ: Ba dấu hiệu sau đây cho thuốc lá có khả năng phân biệt với nhau: CLUB – PACIFIC CLUB – AMERICAN CLUB

♦ Trường hợp các dấu hiệu chữ là tên người:

+ Tên người Âu – Mỹ: cần lưu ý rằng tên người Âu – Mỹ thường có tên gọi (first name) và tên họ (family name), trong đó số lượng tên gọi tương đối ít, còn tên họ thì đa dạng hơn. Vì vậy, tên họ thường có tính độc đáo hơn tên gọi, nên nếu trùng về tên họ thì thường gây ra sự tương tự.

Ví dụ: Nhãn hiệu PETER WINDERMAN bị từ chối bởi nhãn WINDERMAN

Nhưng nếu chỉ trùng về tên gọi thì ít khả năng tương tự nhau. Ví dụ: ROBERT KENEDY không tương tự với ROBERT FORD.

+ Tên người Việt: Tên người Việt (và tên của một số nước khác) có đặc điểm ngược lại là tên họ thường giới hạn trong một số lượng ít; còn tên gọi thì thực tế là rất đa dạng nên tên gọi (kể cả tên đệm) có tính phân biệt cao hơn. Do đó, nếu chỉ trùng về họ thì hai nhãn hiệu ít khả năng tương tự. Ví dụ: nhãn hiệu NGUYỄN KIM không tương tự với nhãn hiệu NGUYỄN THÀNH.

Nếu trùng về tên (kể cả tên đệm) thì thường gây nhầm lẫn. Ví dụ: nhãn hiệu LÊ KIM TIẾN sẽ bị từ chối bởi nhãn KIM TIẾN

Tuy nhiên, nếu họ tên chỉ gồm hai chữ mà một chữ khác nhau thì vẫn có khả năng phân biệt. Ví dụ: nhãn hiệu LÊ LAN không tương tự với nhãn LÝ LAN.

– Trường hợp dấu hiệu có cách viết khác nhau, nhưng do cách phát âm theo một trong những ngôn ngữ phổ biến ở Việt Nam giống nhau thì vẫn có thể gây ra sự tương tự. Ví dụ: Nhãn hiệu SUNSEAT có thể bị từ chối bởi nhãn SUNSIT

♦ Một số trường hợp đặc biệt của nhãn hiệu là tiếng Việt

+ Hai dấu hiệu tiếng Việt tuy khác nhau về dấu nhưng trùng về mặt ký tự, thì vẫn coi là tương tự nhau. Ví dụ: nhãn KIM HƯNG bị từ chối bởi nhãn KIM HÙNG

+ Hai dấu hiệu có cách viết khác nhau, nhưng do cách đọc giống nhau của dân cư ở một số vùng rộng lớn ở Việt Nam, thì vẫn bị coi là tương tự. Ví dụ THÀNH LIM sẽ bị từ chối bởi nhãn THÀNH LIÊM, nhãn MINH NHẬT sẽ bị từ chối bởi nhãn MINH NHỰT.

3.2 Về cấu tạo hình

♦ Hai dấu hiệu hình có nội dung trình bày giống nhau, hoặc có các phần chủ yếu giống nhau thì chúng tương tự với nhau (kể cả hình hai chiều và hình khối).

 Ví dụ: Hình mặt trời mọc lên khỏi mặt biển có các tia sáng hình sin cũng có khả năng tương tự với hình mặt trời mọc lên khỏi mặt đất có các tia sáng thẳng (cách trình bày khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa là mặt trời mọc).

♦ Hai dấu hiệu có thể khác nhau về mặt ý nghĩa của hình (ví dụ hình hổ và hình sư tử) nhưng chúng được trình bày độc đáo ở chỗ chân đều xỏ giày và đầu đội mũ, thì khả năng tương tự cao

♦ Hai dấu hiệu hình giống nhau về mặt ý nghĩa nhưng được trình bày theo các phong cách độc đáo khác nhau thì vẫn có khả năng phân biệt (ví dụ: con vịt thường và vịt Donald của Walt Disney, hoặc hình đầu voi với hình một đàn voi đều có khả năng phân biệt với nhau).

♦ Hai dấu hiệu hình cùng thể hiện một ý nghĩa cụ thể như nhau và có cách thể hiện tương tự nhưng với số lượng khác nhau thì bị coi là tương tự gây nhầm lẫn. Ví dụ: Hình một bông hoa hồng và hình nhiều bông hoa hồng.

3.3 Về ý nghĩa nhãn hiệu

– Trường hợp 2 dấu hiệu có cách viết khác nhau, nhưng có cùng nghĩa tiếng Việt, hoặc một ngoại ngữ thông dụng tại Việt Nam như Anh, Pháp, Nga, Hán thì vẫn coi là tương tự. Ví dụ nhãn hiệu KIM TINH tương tự với SAO VÀNG

– Trường hợp hai dấu hiệu có nhiều ký tự trùng nhau, nhưng nếu chúng có hai nghĩa rõ ràng, có thể phân biệt được với nhau, thì hai dấu hiệu đó vẫn có khả năng phân biệt. Ví dụ THREE không tương tự với TREE.

*Lưu ý: Trong một dấu hiệu kết hợp thì phần từ ngữ thường đóng vai trò quan trọng hơn phần hình về khả năng phân biệt; phần chữ có ưu thế hơn phần hình ở chỗ ngoài khả năng nhìn thấy nó còn có thể giúp người tiêu dùng nghe được qua truyền khẩu hoặc qua các phương tiện thông tin bằng âm thanh.

3.4: Đánh giá tính tương tự của sản phẩm, dịch vụ

♦ Hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ được coi là tương tự khi hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

+ Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng; (quần, áo; giày, dép; mỹ phẩm, kem bôi dùng để trang điểm;…); hoặc

+ Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng; (mì, miến; bia, rượu; vải, áo sơ-mi; gạch, ngói;…); hoặc

+ Tương tự nhau về bản chất; (cacao, sô cô la, cà phê; bánh, mứt, kẹo; …); hoặc

+ Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng; (dịch vụ mua bán mỹ phẩm, dịch vụ thẩm mỹ viện; chất dính dùng trong công nghiệp, chất dính dùng trong gia đình; …); và

+ Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng…); (nước mắm, nước tương, muối; hương thắp, giấy vàng mã; chăn, gối, đệm;…) hoặc được dùng cùng nhau (kem đánh răng, bàn chải đánh răng).

♦ Một sản phẩm và một dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (sản phẩm, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của sản phẩm, dịch vụ này được cấu thành từ sản phẩm, dịch vụ kia); (xe máy, dịch vụ lắp ráp xe máy; quần áo, dịch vụ may đo;…);

+ Giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của sản phẩm, dịch vụ này phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); (dược phẩm, mua bán dược phẩm; vàng bạc, mua bán vàng bạc; …);

+ Giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (sản phẩm, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác sản phẩm, dịch vụ kia…); (phần mềm máy tính, thiết kế phần mềm máy tính; điện thoại, dịch vụ bưu chính viễn thông; …).

4.Đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn của dấu hiệu và đối chứng

Tất cả các tình huống sau đây đều có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng:

– Dấu hiệu trùng và sản phẩm, dịch vụ trùng;

– Dấu hiệu trùng và sản phẩm, dịch vụ tương tự;

– Dấu hiệu tương tự và sản phẩm, dịch vụ trùng;

– Dấu hiệu tương tự và sản phẩm, dịch vụ tương tự.

Trong trường hợp đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng thì tồn tại khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng ngay cả đối với sản phẩm, dịch vụ không trùng và không tương tự nếu làm người tiêu dùng nhầm lẫn là dấu hiệu đó có cùng nguồn gốc hoặc có liên hệ với nhãn hiệu nổi tiếng.

5.Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại S&D INVEST

S&D Invest là đơn vị đại diện sở hữu trí tuệ – Cục sở hữu trí tuệ (mã số 193).  Với đội ngũ nhân viên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D chúng tôi cung cấp cho Quý khách hàng các dịch vụ liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, bản quyền,…).

Hãy liên hệ với Chúng tôi để nhận được tư vấn miễn phí!

Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D (S&DINVEST)
Trụ sở:
 69A/97 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
VPGD: Tầng 3-4, tòa nhà A1, 102 Trường Chinh, Hà Nội
Điện thoại/mobile: 0969587580 – 0968484796
Website: http://consultgroup.vn/ và https://tuvandauthau.com.vn/